Sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những nguyên nhân đáng kể gây nên hiệu ứng nhà kính. Trước những vấn đề đáng báo động đó, việc phát triển vật liệu xanh là xu hướng tất yếu và cần thiết.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2015 lượng phát thải khí nhà kính của sản xuất vật liệu xây dựng khoảng 63 triệu tấn CO2 tương đương. Nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 87 triệu tấn CO2 tương đương. Dự báo đến năm 2030 có thể lên đến 125 triệu tấn CO2 và lên 148 triệu tấn CO2 năm 2050.
Những ‘con số’ đáng báo động này gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khoẻ của con người. Chính vì vậy, cần có những thay đổi để tạo nên cuộc cách mạng xanh toàn diện. Đây cũng là bước ngoặt để vật liệu xanh phát huy tối đa vai trò của mình trong việc tạo nên không gian sống xanh, bảo vệ môi trường.
Vật liệu xanh là gì?
Vật liệu xanh là những loại vật liệu ít tác động nhất tới môi trường và không gây hại cho sức khỏe con người trong suốt quá trình thu thập nguyên liệu, sản xuất, đến ứng dụng và sau khi hết vòng đời sử dụng.
Một vật liệu xanh có tính ứng dụng và hiệu quả cao phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản như:
- Không độc hại dựa trên mức độ ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và sau khi sử dụng
- Khả năng tái chế hoặc tái sử dụng cao
- Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cũng như tiết kiệm nhiên liệu
- Vòng đời sử dụng cao, có thể sử dụng lâu dài và độ tiêu hao vật liệu thấp
- Ảnh hưởng tốt đến môi trường hoặc ít có ảnh hưởng đến môi trường, lượng phát thải thấp hoặc bằng 0
Vật liệu xây dựng xanh có thể chia thành 4 nhóm:
- Vật liệu xây dựng sinh thái
Là loại vật liệu với đặc điểm thân thiện với môi trường. Trong toàn bộ vòng đời của vật liệu, ngoài đáp ứng các yêu cầu cơ bản của vật liệu chúng còn là vật liệu xây dựng tự nhiên nhất cho môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và ít phải xử lý.
- Vật liệu lành mạnh
Đặc điểm của loại vật liệu này là tốt cho sức khỏe, phát thải thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, ít mùi, ít gây nguy hiểm sinh lý. Chủ yếu các vật liệu này nhằm mục đích giảm phát thải khí formaldehyde và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thấp, ví dụ như Sàn đá công nghệ SPC Neo Floor
- Vật liệu xây dựng tái tạo
Đây là những vật liệu xây dựng có mức độ xử lý thấp, tiêu thụ ít năng lượng, phát thải khí CO2 thấp, phát thải ô nhiễm thấp, dễ phân huỷ tự nhiên, có thể tái sử dụng, phù hợp hệ sinh thái công nghiệp địa phương và không có khủng hoảng khan hiếm.
- Vật liệu hiệu suất cao
Những vật liệu này có thể khắc phục các khuyết điểm về hiệu suất của vật liệu xây dựng truyền thống để nâng cao chất lượng hiệu quả như khả năng kiểm soát tiếng ồn, chống ẩm, chống nước, cách ấm, giữ nước…
Việc sử dụng vật liệu xanh mang lại nhiều ưu điểm và lợi ích đáng kể đối với ngành công nghiệp cũng như chính người trực tiếp sử dụng như: chất lượng sản phẩm cao, tuổi thọ dài; tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; giảm các chi phí phát sinh so với vật liệu thông thường, an toàn cho người sử dụng và dễ dàng tái chế.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường vật liệu xanh
Vật liệu xanh ngày càng được ứng dụng nhiều trong các công trình xây dựng. Theo thống kê trên trang Market Research.biz, nhu cầu về thị trường vật liệu xây dựng xanh trong những năm tới tăng mạnh mẽ, dự kiến sẽ đạt 562,7 tỷ USD vào năm 2028, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 10,1%.
Tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng của vật liệu xanh có sự tác động của nhiều yếu tố: Thứ nhất, nhận thức về môi trường ngày càng tăng thúc đẩy sự phát triển của thị trường vật liệu xây dựng xanh toàn cầu. Ngày càng có nhiều các đơn vị áp dụng biện pháp bền vững, trong đó bao gồm cả xây dựng. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng tác động đáng kể đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và sử dụng nhiều năng lượng. Do đó việc sử dụng các loại vật liệu xanh để thay thế là điều cần thiết.
Nhận thức và yêu cầu của người dân ngày càng tăng cao về chất lượng không gian sống, đòi hỏi một môi trường sống an toàn, chất lượng, đảm bảo các yếu tố sống sạch, sống xanh. Vì vậy, buộc các chủ đầu tư, nhà sản xuất vật liệu phải đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu này.
Cuối cùng, chính sách cởi mở của nhà nước, khuyến khích phát triển và sử dụng các loại vật liệu xanh. Tại Việt Nam, các chính sách được thể hiện thông qua cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính theo nghị quyết COP26, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung. Đây là xu hướng phát triển đúng đắn nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch bằng đất sét nung gây ra nhiều khí thải.
Vật liệu xanh vẫn gặp phải nhiều thách thức
Sự có mặt của vật liệu xanh giải quyết được những vấn đề gây nhức nhối hiện nay như ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng tiêu hao và tài nguyên môi trường. Đồng thời giúp môi trường sống trở nên trong lành, thoải mái, tăng cường sức khỏe và tinh thần cho con người.
Vật liệu này cũng góp phần tạo nên kiến trúc xanh bền vững, làm đẹp cho công trình, là một trong những xu hướng mới hiện nay để góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tại Việt Nam vật liệu xanh đang chiếm thị phần tương đối khiêm tốn.
Trên thế giới, khái niệm vật liệu xanh xuất hiện từ những năm 1900 và dần đóng vai trò quan trọng để quản lý vận hành công trình ở hơn 100 quốc gia lãnh thổ. Riêng tại Việt Nam, thuật ngữ này chỉ mới có mặt gần đây, từ những năm 2005-2010.
Theo công bố của Bộ xây dựng, tính đến năm 2023, sau gần 20 năm nỗ lực phát triển, Việt Nam mới đạt khoảng 300 công trình trong đó có sử dụng vật liệu xanh. Con số khiêm tốn như vậy đủ để thấy mặc dù tiềm năng nhưng để phát triển vật liệu xanh như chìa khóa tương lai là điều không dễ dàng. Vẫn còn nhiều thách thức đối với vật liệu này như: Chủ đầu tư chưa hiểu rõ về công trình xanh, vật liệu xanh; khó khăn về tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư; giá thành vật liệu cao; thiếu nhân lực chất lượng cao; chưa có công cụ pháp lý để đánh giá quản lý công trình xanh, vật liệu xanh.
Vì vậy, để tạo được chỗ đứng, ngoài ưu điểm vượt trội, rất cần có sự chung tay của nhiều bên để đưa những sản phẩm vật liệu xanh như Sàn đá công nghệ SPC Neo Floor trở thành giải pháp tối ưu bảo vệ môi trường.
Nguồn: Hương Vũ