Để giảm tác động tới môi trường của các công trình xây dựng, nhiều quốc gia đã và đang nghiên cứu, sửa đổi các tiêu chuẩn chứng nhận cho vật liệu thân thiện với môi trường, trong đó có vật liệu xanh. Đây là xu hướng mới thể hiện ý thức của cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính.
Thuật ngữ vật liệu xanh bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 1990 và bắt đầu trở nên phổ biến. Theo định nghĩa của Spiegel và Meadows năm 1999, vật liệu xây dựng xanh bao gồm các nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Vật liệu xanh có trách nhiệm với môi trường vì các tác động được xem xét trong suốt vòng đời của sản phẩm.
Nhiều tổ chức, chương trình ủng hộ vật liệu xanh
Để đưa vật liệu xanh đi sâu vào trong mỗi công trình, trách nhiệm được chia đều nhiều cấp lãnh đạo cũng như đến với các công ty, đơn vị thi công, thiết kế.
Cụ thể là Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, thành viên Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc có nhiệm vụ đưa ra các định hướng, chiến lược tới hơn 70 Hội đồng Công trình xanh cấp quốc gia. Tổ chức này hoạt động như một cơ quan giám sát toàn cầu để thực thi bộ tiêu chuẩn công trình xanh và bộ luật xây dựng xanh quốc tế trên toàn thế giới, trong đó có việc sử dụng tối ưu vật liệu xanh.
Ở Liên minh Châu Âu, Ủy ban Châu Âu đã công bố các chính sách xây dựng xanh nhằm thúc đẩy việc áp dụng chủ đạo kiến trúc thân thiện với khí hậu và thiết kế vật liệu xanh công trình xanh. Chính sách này thiết lập nên ngôn ngữ chung xung quanh các thiết kế công trình và được áp dụng ở các quốc gia thành viên của EU, phù hợp với Hiệp ước khí hậu Châu Âu.
Ở Hoa Kỳ, Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ thúc đẩy tính bền vững trong mọi giai đoạn xây dựng – thiết kế, xây dựng – vận hành. Hội đồng này phát triển hệ thống xếp hạng các công trình xanh LEED, trong đó có ứng dụng vật liệu xanh thân thiện với môi trường. LEED là chứng chỉ xanh được tin tưởng hàng đầu trên thế giới với bộ quy tắc và tiêu chí nghiêm ngặt.
Singapore và các nước châu Á có các cơ quan quản lý xây dựng đưa ra các bộ quy tắc, chính sách, chủ trương cải cách để đưa vật liệu xanh tạo tính tuần hoàn và nhân rộng trong xây dựng hàng loạt, hướng tới các mục tiêu phát triển xanh bền vững.
Đồng thời, có nhiều chương trình đào tạo bền vững giúp nâng cao nhận thức và trang bị cho các kỹ sư, KTS, sinh viên kiến trúc những công cụ để giảm lượng khí thải carbon, sử dụng vật liệu hiệu quả.
Sự phát triển của vật liệu xanh được hậu thuẫn và sự đồng tình rất lớn của các tổ chức về kiến trúc vật liệu trên thế giới.
Thị trường xây dựng vật liệu xanh tăng trưởng mạnh mẽ
Báo cáo Thị trường vật liệu xanh: Phân tích và dự báo ngành toàn cầu giai đoạn 2023 – 2029 cho thấy thị trường vật liệu xây dựng xanh được định giá 252,63 tỷ USD vào năm 2022. Quy mô thị trường ước tính tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,2% trong giai đoạn dự báo.
Dựa trên báo cáo này, phân khúc thị trường vật liệu xây dựng xanh sẽ phát triển mạnh mẽ dựa trên cách phân loại vật liệu như:
Dựa trên phân loại: Phân khúc vật liệu xanh ngoại thất chiếm thị phần đáng kể, ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 8,2%. Mặt tiền của nhiều tòa nhà được sử dụng nhiều vật liệu như gỗ, tre, sản phẩm tái chế… Phân khúc kết cấu dự kiến cũng tăng 11,8% nhờ độ bền và giảm lượng khí thải carbon. Thị trường vật liệu xanh cho nội thất dự báo tăng đáng kể do nhận thức của người tiêu dùng về mức độ an toàn, tiết kiệm năng lượng ngày càng tăng cao.
Dựa trên ứng dụng: Các loại vật liệu chiếm thị phần lớn nhất, tiếp theo là tấm lợp, khung, nội thất hoàn thiện, ngoại thất hoàn thiện và các hạng mục khác. Ứng dụng phát triển nhanh nhất là vật liệu cách nhiệt với tốc độ tăng trưởng 11,5% theo dự báo. Các hệ khung xương cho ngôi nhà cũng cho thấy mức độ tăng trưởng đáng kể.
Dựa trên người dùng, thị trường phân thành đối tượng sử dụng như tòa nhà dân cư, phi dân cư, văn phòng và tòa nhà thương mại. Trong đó sự phát triển của vật liệu xanh cho các tòa nhà dân cư chiếm thị phần cao nhất. Phân khúc thương mại và các không gian văn phòng cũng tăng nhanh.
Dựa theo khu vực: Châu Á Thái Bình Dương phát triển mạnh mẽ với 40% năm 2022 do tăng cường các chính sách khuyến khích sử dụng cơ chế và vật liệu carbon thấp để giảm khí thải và tiết kiệm năng lượng. Châu Âu sẽ tăng khoảng 10% dự báo.
Số lượng công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh tăng nhanh
Theo thống kê, diện tích và số lượng sử dụng vật liệu xanh ở mỗi công trình xanh ngày càng tăng nhanh. Dẫn đầu là thị trường tại Mỹ, sau đó là Trung Quốc, Ấn độ, Canada…
Sự phát triển của các công trình xanh trong đó ứng dụng vật liệu xanh cũng gia tăng đáng kể. Mỹ – đất nước phát triển chứng chỉ LEED chiếm tới hơn 124.000 công trình, xếp theo sau đó là Trung Quốc, Canada, Ấn Độ.
Trong đó, năm 2020, Trung Quốc đứng đầu danh sách chứng nhận tiên phong về chứng chỉ LEED thiết kế năng lượng và môi trường cho các công trình. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Trung Quốc giữ được vị thế này, với hơn 1190 dự án đăng ký LEED mới, tăng 50% so với năm 2019. Việt Nam đứng thứ 28 về số lượng các công trình xanh.
Con số đáng mừng này cho sự phát triển của vật liệu xanh nói riêng và các công trình xanh nói chung, cho thấy sự chuyển dịch không ngừng sang kiến trúc thân thiện với môi trường.
Tương tự như vậy, nguồn vốn để đầu tư vào vật liệu xanh ngày càng tăng cao, có sự hỗ trợ của các cơ quan tài chính. Năm 2021, Hoa Kỳ đã đầu tư tới 86 tỷ USD vào các dự án công trình xanh, thúc đẩy đổi mới. Trung Quốc tháo bỏ khó khăn về tài chính khi Chính phủ khuyến khích các ngân hàng thúc đẩy cơ chế tài chính xanh, quỹ xanh, quỹ tín dụng xanh trong đó quỹ tín dụng xanh chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực vật liệu, công trình giảm phát thải carbon.
Vật liệu xanh sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong việc giảm phát thải. Trong đó ngày càng nhiều các tổ chức ủng hộ vật liệu xanh, có những nghiên cứu số liệu báo cáo chuyên sâu về tác động tích cực của vật liệu xanh đối với môi trường.
Xu hướng sử dụng vật liệu xanh tăng cao nhất là ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Vật liệu xanh dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành cuộc cách mạng vật liệu ở các quốc gia đang phát triển. Bắc Mỹ và Châu Âu vẫn chiếm thị phần lớn nhất định.
Bài viết: Hương Vũ